Ngày 18/8/2023, Hội Hóa học Hà Nội – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội kết hợp với Trung tâm Việt – Bỉ Bảo vệ kim loại và Điện hóa, Viện Kỹ thuật nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát triển công nghệ xanh trong xử lý bề mặt kim loại”. Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội; GS.TS. Mai Thanh Tùng, Giảng viên cao cấp, Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại Việt Nam; GS.TS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới; PGS. TS. Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật hoạt động trong các lĩnh vực vật liệu và công nghệ xử lý bề mặt kim loại, gia công cơ khí, sơn và lớp phủ bảo vệ chống ăn mòn kim loại (Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ hàn và xử lý bề mặt, Viện Nghiên cứu Cơ khí; Công ty CP Sơn tổng hợp Hà Nội; Công ty CP Sơn Hải Phòng; Công ty TNHH Green Laser Senfeng Việt Nam; Cty CP Miracle Việt Nam…).
Sau lời khai mạc của GS.TS. Thái Hoàng, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, đã có 4 báo cáo tham luận được trình bày trong số các báo cáo được in trong Kỷ yếu của Hội thảo:
- GS.TS. Mai Thanh Tùng, Đại học Bách khoa Hà Nội với báo cáo “Nghiên cứu và phát triển một số vật liệu lớp phủ và công nghệ xanh hướng tới kinh tế tuần hoàn”.
- PGS.TS. Lê Thu Quý, Viện Nghiên cứu Cơ khí với báo cáo “Giới thiệu một số ứng dụng của lazer trong xử lý bề mặt kim loại”.
- KS. Hoàng Mai Liên, Công ty CP Sơn tổng hợp Hà Nội với báo cáo “Hiện trạng và xu hướng phát triển công nghệ lớp phủ thân thiện môi trường”.
- TS. Nguyễn Thùy Dương, Viện Kỹ thuật nhiệt đới với báo cáo “Nghiên cứu chế tạo lớp xử lý thân thiện môi trường bảo vệ cho thép mạ kẽm trên cơ sở hydrotanxit”.
Các đại biểu và các diễn giả đã thảo luận sôi nổi về nội dung trong các báo cáo và rút ra một số điểm chính như sau:
– Nhanh chóng cải tiến các công nghệ xử lý, bảo vệ kim loại hiện hành, chế tạo và năng cấp các lớp mạ, sơn hữu cơ từ các sản phẩm thông thường thành các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường là nhu cầu rất cấp thiết.
– Hiện nay ở nước ta, trong đó có Hà Nội, đã có một số giải pháp công nghệ tiềm năng áp dụng trong gia công kim loại, mạ điện và sản xuất lớp phủ trên cơ sở hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ, ứng dụng công nghệ mới (laser), phát triển vật liệu mới tiên tiến, thay thế các hóa chất độc hại (dung môi hữu cơ, các kim loại nặng, đặc biệt là crom(VI), các loại axit…).
– Các diễn giả đã cung cấp các thông tin mới và lý thú về các kết quả ứng dụng công nghệ xanh trong các lĩnh vực nêu trên gắn với chiến lược giảm phát thải khí CO2, các khí nhà kính (Net-zero Green House Gas – GHG) và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Hội thảo này là cơ hội tốt để góp phần tăng cường kết nối nghiên cứu – sản xuất – sử dụng các chế phẩm, các công nghệ bảo vệ kim loại hiệu quả, thân thiện môi trường, thúc đẩy quá trình “xanh hóa” sản xuất, hướng tới nền kinh tế bền vững trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: